Giáo lý cơ bản Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam

Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam lấy giáo lý Phật giáo làm gốc, nhưng diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với đời sống của đa số người dân. Giáo lý tập trung ở các quyển kinh, luật, luận căn bản như:[3]

  • Lễ bái lục phương: khuyên người cư sĩ tại gia, sống tích cực nhập thế giữa đời thường mà không đánh mất tâm tính thanh tịnh.
  • Phu thê ngôn luận: dùng hình thức đối đáp giữa hai vợ chồng nhằm khuyến khích người tu hành từ tư tưởng đến hành động đều phải quả quyết, không thoái chuyển.
  • Đạo đức: ghi lại lời thuyết giảng ý nghĩa và phương pháp thực hành đạo đức của Đức Tông Sư Minh Trí, nội dung chủ trương đạo đức là then chốt của văn minhkhoa học.
  • Giới luật: thuyết minh quan điểm của người tu Phật, nhất là người cư sĩ tại gia, nêu rõ tính nghiêm minh, cẩn trọng mà người cư sĩ tại gia nếu phát tâm thọ trì Bồ Tát giới cũng có thể đạt được những thành tựu như người xuất gia.
  • Phật học vấn đáp: là bộ Phật học phổ thông, thuyết minh về Giáo hội Tăng già, vấn đề Tam qui, Chơn lý tu học, xác định giá trị cũng như vị trí của người cư sĩ tại gia trong Phật đạo.
  • Phương pháp kiến tánh: thể hiện nội dung nâng cao trình độ tu học, trình bày từng giai đoạn của quá trình tu học để đạt được "Kiến Tánh". Người "Kiến Tánh" thì sẽ xa lìa được thiên kiến để thực hành trung đạo.

Về lễ tiết, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam hành lễ đơn giản nhưng thành kính. Hàng năm có hai ngày lễ lớn là lễ Phật đản (8 tháng 4 âm lịch) và lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Đức Tông Sư Minh Trí (Ngày 23 tháng 8 âm lịch). Hàng tháng vào ngày mùng một và mười lăm âm lịch là những ngày lễ sóc vọng, làm lễ quy y cho tín đồ mới nhập đạo và thuyết giảng giáo lý. Ngoài ra giáo hội còn tổ chức những ngày lễ chung của đạo Phật như Tết Nguyên tiêu, Lễ Vu Lan... Theo quy định lễ Phật 24 lạy, lễ Quán Thế Âm 12 lạy, lễ Đức Tông Sư Minh Trí 6 lạy.[3]